Bối cảnh Sở_từ

Chữ chạm bằng vàng trên một thẻ thông hành bằng đồng do Sở Hoài Vương cấp cho vua chư hầu nước Ngạc, năm 323 TCN.[2]
Xem thêm: Sở (nước)

Sở từ được đặt tên theo một thể thi ca có xuất xứ từ nước Sở, tuy nằm ở khu vực mà ngày là miền trung Trung Quốc, nhưng vào thời điểm đó, Sở thực ra là một nước nằm ở rìa phía nam của khu vực văn hóa Trung Quốc.[3] Vùng đất Sở được biết đến là nơi giao thoa giữa văn hóa từ trung tâm Trung Quốc, tức "phương bắc", với những ảnh hưởng văn hóa khác gắn liền với "phương nam".[4] Cũng chính vì điều đó mà ở miền bắc Trung Quốc, nước Sở (hay "phương nam") nổi tiếng vì sở hữu những nét đặc trưng "kỳ lạ", khác biệt với văn hóa Hoa Hạ,[5] và những câu thơ trong Sở từ đã mô tả những đặc trưng nổi bật của sự "kỳ lạ" này một cách mạnh mẽ.[6] Vào lúc bấy giờ, một hình thức của Shaman giáo ở Trung Quốc, gọi là Vu giáo, đang thịnh hành trên đất Sở,[7][8] và một lượng lớn các câu thơ trong Sở từ có miêu tả về "những cuộc hành trình của linh hồn".[9] Tuy nhiên, những ảnh hưởng của phương nam thực sự không đáng kể. Những đặc trưng của phương nam chỉ giới hạn ở những quan niệm của Vu giáo và các đồ tùy táng, ngoài ra những thứ như văn học, thi ca, trang phục và kiến trúc đều đến từ phương bắc. Các tham chiếu về sự "kỳ lạ" bao gồm những lần tiếp xúc với các cây cỏ ma thuật, có hương thơm khác nhau, các cuộc gặp gỡ với thần tiên, và những cuộc du hành tới những địa điểm kỳ lạ như thiên giới, nơi tận cùng của đất trời, xứ Đại Hạ hay tới núi Côn Lôn trong truyền thuyết.[10]

Những tác phẩm thi ca của Khuất Nguyên và Tống Ngọc trong Sở từ, cũng như những tác phẩm của các thi nhân đất Sở khác (hay những nhà thơ viết theo Sở Từ thể), thể hiện sự phát triển của một truyền thống lâu đời mà cuối cùng đã trở nên được ưa chuộng và nhận được sự ái mộ của hoàng gia thời Tây Hán. Hán thư ghi nhận 106 nhà thơ người nước Sở với tổng cộng 1.318 tác phẩm. Nhiều thi giả nổi bật thời Hán cũng sử dụng Sở Từ thể để sáng tác phần lớn những tác phẩm thi ca đáng chú ý của họ. Như vậy, thuật ngữ Sở từ có thể hiểu là dùng để chỉ chung về loại câu thơ theo phong cách trang trọng của loại câu thơ này. Bên cạnh các tác phẩm trong Sở từ còn có nhiều bài thơ khác được viết theo thể tương tự, và nhiều trong số chúng vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Tuy nhiên chúng thường không được đưa vào tuyển tập Sở từ tiêu chuẩn. Vào thời nhà Đông Hán, Vương Dật đã viết một bình giải chuyên sâu về Sở từ, cũng như bổ sung thêm "Cửu tư" của chính mình làm phần thứ 17 và cuối cùng của hợp tuyển.[11]